Tuy nhiên, một số thực vật thủy sinh có thể xử lý nước thải, làm phân compost, thức ăn cho gia súc, vì thế có thể làm giảm thiểu các bất lợi do thực vật gây ra mà còn thu thêm được lợi nhuận.
Thực vực thủy sinh trong các môi trường kênh, rạch, ao hồ sẽ sử dụng các thành phần dinh dưỡng có trong nước để sinh trưởng, vì thế sẽ dần loại bỏ dinh dưỡng trong nước thải, thu hồi dinh dưỡng vào sinh khối, thu hồi sinh khối thực vật sử dụng cho mục đích khác. Dùng thực vật thủy sinh trong xử lý nước thải có hiệu quả xử lý chậm nhưng ổn định, không có độc tố; là nơi vi sinh vật bám vào, phát triển, che mát mặt nước khi thời tiết nắng nóng; chi phí xử lý không cao, quá trình xử lý không đòi hỏi công nghệ phức tạp; thân thiện môi trường và tạo mỹ quan; sinh khối tạo ra sau quá trình xử lý được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau: làm thực phẩm cho người và gia súc, làm phân bón…; là nơi trú ngụ của sinh vật, cá khi thời tiết nắng nóng; sử dụng thực vật xử lý nước trong nhiều trường hợp không cần cung cấp năng lượng, do vậy có thể ứng dụng ở những vùng hạn chế năng lượng. Bên cạnh những ưu điểm, phương pháp thực vật thủy sinh trong xử lý nước thải cũng có một số nhược điểm như: diện tích cần dùng để xử lý nước thải phải lớn, đòi hỏi phải có đủ ánh sáng…, chất lượng môi trường nước càn bẩn thì tốc độ sinh trưởng càng nhanh, thời gian tỉa tách thủy sinh giảm lại.
Kênh, hồ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là hệ thống kết cầu hạ tầng thoát nước đô thị rất quan trọng, gắn liền với sinh hoạt và đời sống cộng đồng dân cư và cân bằng hệ sinh thái đô thị. Do đó, công tác bảo vệ môi trường trên hệ thống kênh, hồ có ý nghĩa rất thiết thực và là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn của nhân dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng ấy, những năm qua ngoài việc sử dụng các biện pháp để giải quyết các vấn đề bức xúc, các điểm nóng về môi trường tại các kênh, hồ trên địa bàn thành phố, các cấp, ngành và Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã áp dụng thực vật thủy sinh để xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các kênh, hồ trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm của phương pháp này, từ năm 2007 thực vật thủy sinh được sử dụng để xử lý ô nhiễm tại hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung. Đến nay, giải pháp này được triển khai nhân rộng tại 14 kênh, hồ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: hồ Thạc Gián, hồ Vĩnh Trung, hồ Phần Lăng, hồ Công viên 29/3, hồ Nguyễn Phước Tần, hồ Trung Nghĩa 2, hồ Hòa Phú, hồ 2 hecta, hồ Xuân Hòa, hồ Khu E1, hồ khu C, hồ khu B, kênh Khuê Trung và kênh Phần Lăng. Tùy theo vị trí địa lý, mục đích sử dụng, chất lượng nước hồ mà các loại thủy sinh được chọn cho phù hợp. Các loài thủy sinh được sử dụng tại các kênh, hồ này phổ biến là hoa chuối, thủy trúc, bèo lục bình, được vây bởi các khung bằng tre hoặc bằng nhựa với các hình dáng như hình chữ thập, hình lục giác, hình hoa sen, hình ngôi sao, hình vuông… để tạo cảnh quang và kiểm soát sự tăng trưởng của thủy sinh, đồng thời bố trí hợp lý không cản trở quá trình tiêu thoát nước trong mùa mưa. Các bè thủy sinh được theo dõi, kiểm tra, cắt tỉa thủy sinh thường xuyên, đồng thời thay mới khi hư hỏng để đảm bảo duy trì liên tục, đảm bảo vệ sinh môi trường nước kênh, hồ.
|
Công tác gia công bè thủy sinh
|
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các bè thủy sinh được lắp đặt tại các kênh hồ đa số phát triển tốt, giúp giảm thiểu ô nhiễm, góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường nước tại các kênh, hồ của thành phố. Đồng thời, một số loại thủy sinh cũng góp phần tạo cảnh quan, điểm nhấn, làm tươi đẹp hơn cho khu vực, được người dân hưởng ứng, đồng tình ủng hộ. Phát huy hiệu quả mô hình này, Lãnh đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã chỉ đạo trong thời gian tới, ngoài những giải pháp, công nghệ tiên tiến, tùy chất lượng môi trường kênh, hồ cán bộ công nhân viên Công ty cần nghiên cứu ứng dụng thêm các loài thủy sinh khác, tham khảo thêm các làm của một số địa phương bạn để nhân rộng, phát triển hệ thống thực vật thủy sinh, nhằm vừa bảo vệ môi trường, vừa làm đẹp cảnh quan thành phố, điều hòa nhiệt độ nước hồ khi thời tiết nắng nóng, góp phần cùng các cơ quan ban ngành của thành phố chung tay xây dựng thành phố Đà Nẵng đáng sống, yên bình./.
Một số hồ dùng thực vật thủy sinh giảm thiểu ô nhiễm, tạo cảnh quang
|
|
Hồ Vĩnh Trung |
Hồ Trung Nghĩa 1 |
Nguồn: Phòng Công nghệ Môi trường nước thải